03:22 ICT Thứ năm, 10/10/2024

Trường TH số 1 Hồng Thủy

Dạy-Học trực tuyến

- Nội quy dạy-hoc online
- Kho dữ liệu bài giảng
- Link dạy học online của Giáo viên
- Thi Online: 
+ IOE
+ Violympic Toán
+ Trạng nguyên Tiếng Việt

Truyền thống

Giáo án

Quảng cáo - Liên kết

1
1
1
1
1

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 26


Hôm nayHôm nay : 644

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 45288

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10019097

Trang nhất » Tin Tức » Phổ biến pháp luật

chuyển đổi số

Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành .

Thứ năm - 25/05/2023 07:31
I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH Trong tháng 02 năm 2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sau: Các Nghị định của Chính phủ: 1. Nghị định số 04/2023/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 2. Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 04/2023/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 02 năm 2023.
Trường hợp thủ tục hành chính phát sinh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan môi trường lao động.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Sự cần thiết ban hành Nghị định:
- Thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tại Quyết định số 2230/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
 Mục đích ban hành Nghị định:
 - Thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh và tối ưu hoá quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
- Thực hiện đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
c) Nội dung chủ yếu:
Nghị định bao gồm 02 chương, 05 điều với nội dung cơ bản như sau:
Các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2018/NĐ-CP
Thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá một số TTHC theo yêu cầu tại Quyết định số 2230/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại ngành nghề kinh doanh 4: Kiểm định chất lượng GDNN; Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN, cho phép tổ chức kiểm định tiếp tục hoạt động kiểm định chất lượng GDNN được giao tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 49/2018/NĐ-CP như sau:
- Điều 7: Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN; đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng GDNN trong đó quy định giao thẩm quyền giải quyết TTHC từ Bộ LĐTBXH về Tổng cục GDNN.
- Điều 8:
+ Sửa đổi, bổ sung điểm b, c, d khoản 1: Bãi bỏ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bản sao thẻ kiểm định viên.
+ Sửa đổi, bổ sung điểm a, b,c khoản 4: Bổ sung nội dung nộp hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến và ký số trên mẫu đơn; Hợp nhất mẫu Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN và mẫu đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN; Giảm thời gian từ 30 ngày xuống còn 15 ngày làm việc đối với cấp lại; Thẩm quyền phê duyệt Quyết định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN từ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH xuống Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
- Điều 9: Sửa đổi điểm a khoản 3, điểm b khoản 4 về thủ tục đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng GDNN và thủ tục cho phép tổ chức kiểm định tiếp tục hoạt động GDNN phân cấp từ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH xuống Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
- Điều 10: Sửa đổi điểm b khoản 2 bỏ nội dung Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN trình Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN. Sửa đổi khoản 3 về trình tự thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN quy định trình tự thực hiện và quyết định thu hồi GDNN phân cấp từ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH xuống Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
- Điều 18: Sửa đổi điểm c khoản 2 và mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 49/2018/NĐ-CP: Hợp nhất mẫu đơn đề nghị cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN với mẫu đơn đề nghị cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN. Bỏ một số trường thông tin trên mẫu đơn đề nghị cấp/cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN: Dân tộc, quê quán, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện nay. Hiện nay, để khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư cần nhập 04 trường thông tin bắt buộc trong đó có ngày tháng năm sinh nên không thể bỏ trường thông tin ngày tháng năm sinh trên mẫu đơn. Đồng thời bổ sung nội dung nộp hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến.
- Điều 19: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 về hợp nhất mẫu số 08 và mẫu số 09 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 49/2018/NĐ-CP và bãi bỏ mẫu đơn đề nghị cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN.
Sửa đổi, bổ sung các TTHC thuộc Ngành nghề kinh doanh 4: Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp như sau:
TTHC 1: Cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN (Mã TTHC: 1.000286); TTHC 2: Cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN (Mã TTHC: 1.000169)
- Bổ sung: Hình thức trực tuyến trong cách thức nộp hồ sơ, nhận kết quả; ký số trên mẫu đơn.
- Sửa đổi: Hợp nhất mẫu Đơn đề nghị cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN và Đơn đề nghị cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN. Bỏ một số trường thông tin trên mẫu đơn đề nghị cấp/cấp lại thẻ kiểm định viên: Dân tộc, quê quán, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện nay. Hiện nay, để khai thác thông tin trên CSDL quốc gia về dân cư cần nhập 04 trường thông tin bắt buộc trong đó có ngày tháng năm sinh nên không thể bỏ trường thông tin ngày tháng năm sinh trên mẫu đơn.
TTHC 3: Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN (Mã TTHC: 1.000298)
- Bổ sung: Hình thức trực tuyến trong cách thức nộp hồ sơ, nhận kết quả và ký số trên mẫu đơn.
- Sửa đổi:
+ Bãi bỏ thành phần hồ sơ là bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp; bản sao thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN đối với người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng GDNN của tổ chức kiểm định và kiểm định viên. Hợp nhất mẫu Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN và Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN.
+ Thẩm quyền phê duyệt Quyết định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN từ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH xuống Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
TTHC 4: Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN (Mã TTHC: 1.000295)
- Bổ sung: Hình thức trực tuyến trong cách thức nộp hồ sơ, nhận kết quả và ký số trên mẫu đơn.
- Sửa đổi:
+ Bãi bỏ thành phần hồ sơ là bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp; bản sao thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN đối với người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng GDNN của tổ chức kiểm định và kiểm định viên. Hợp nhất mẫu Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN và Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN.
+ Thẩm quyền phê duyệt Quyết định cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN từ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH xuống Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
+ Thời hạn giải quyết giảm thời hạn từ 30 ngày xuống còn 15 ngày làm việc.
TTHC 5: Cho phép tổ chức kiểm định tiếp tục hoạt động kiểm định chất lượng GDNN khi nguyên nhân bị đình chỉ được khắc phục (Mã TTHC 1.000293); TTHC 6: Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN trong trường hợp tổ chức kiểm định đề nghị chấm dứt hoạt động kiểm định chất lượng GDNN (mã TTHC 1.000291)
Sửa đổi thẩm quyền cơ quan giải quyết TTHC: Của Bộ LĐTBXH thành Tổng cục GDNN.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2016/NĐ-CP
Thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá một số TTHC theo yêu cầu tại Quyết định số 2230/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như sau:
- Sửa đổi mẫu đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (Phụ lục 1a) ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP cụ thể: Bỏ thông tin về địa chỉ liên lạc, toàn bộ các thông tin về người đại diện theo pháp luật.
- Sửa mẫu đơn đề nghị cấp (hoặc cấp lại) chứng chỉ kiểm định viên tại Phụ lục Ic ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP, cụ thể: Bỏ các thông tin về ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu quy định tại nhóm TTHC 2 (gồm TTHC: cấp Chứng chỉ kiểm định viên, cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên đối với trường hợp bổ sung, sửa đổi nội dung chứng chỉ kiểm định viên, cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên trong trường hợp hết hạn, cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên đối với trường hợp bị hỏng hoặc mất, cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên đối với trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ). So với phương án đơn giản hoá, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ lại các trường thông tin cơ bản của công dân (ngày sinh; CMND hoặc CCCD; điện thoại) để thực hiện tra cứu (vì phải nhập các thông tin này thì mới có thể tra cứu dữ liệu quốc gia về dân cư). Đồng thời, sửa đổi mẫu đơn cho phép người khai được phép ký số để phù hợp với cách thức thực hiện TTHC quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 04/2023/NĐ-CP.
- Sửa đổi, bổ sung cách thức thực hiện TTHC đối với TTHC về cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên (theo phương án được duyệt thì phải sửa đổi điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, để sửa đổi nội dung này thì phải sửa đổi khoản 1 Điều 13 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi khoản 1 Điều 13 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP và không sửa đổi khoản 5 Điều 5 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP): Thay cụm từ “gửi cơ quan có thẩm quyền...” bằng cụm từ “nộp trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc trực tuyến tới cơ quan có thẩm quyền...”. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bãi bỏ 01 thành phần hồ sơ “Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân” là giấy tờ công dân phải nộp đối với TTHC về cấp chứng chỉ kiểm định viên quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP không thuộc phương án được nêu trong Quyết định số 2230/QĐ-TTg.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP: Bổ sung hình thức khai báo trực tuyến đối với tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC khai báo với Sở LĐTBXH khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời, sửa đổi mẫu đơn cho phép người khai được phép ký số để phù hợp với cách thức thực hiện TTHC quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 04/2023/NĐ-CP.
Do đó sửa đổi, bổ sung các TTHC thuộc Ngành nghề kinh doanh 1: Kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động như sau:
TTHC 1: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (Mã TTHC: 1.000354)
Sửa đổi, bổ sung mẫu đơn, tờ khai: Bỏ thông tin về địa chỉ liên lạc, toàn bộ các thông tin của người đại diện theo pháp luật.
TTHC 2: Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, hỏng (Mã TTHC: 1.000131); TTHC 3: Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận (Mã TTHC: 1.000137); TTHC 4: Gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (Mã TTHC: 2.000199)
Sửa đổi, bổ sung mẫu đơn, tờ khai: Bỏ toàn bộ thông tin của người đại diện theo pháp luật.
TTHC 5: Cấp Chứng chỉ kiểm định viên (Mã TTHC: 1.000148)
- Bổ sung: Hình thức trực tuyến trong cách thức nộp hồ sơ, nhận kết quả và ký số trên mẫu đơn.
- Sửa đổi: Bãi bỏ thành phần hồ sơ là giấy tờ công dân tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP (cụ thể: Không yêu cầu nộp Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc căn cước công dân); bỏ một số trường thông tin của người đề nghị cấp/cấp lại chứng chỉ kiểm định viên trong mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ kiểm định viên; cho phép người khai được phép ký số khi thực hiện TTHC trực tuyến.
TTHC 6: Cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên trong trường hợp hết hạn (Mã TTHC: 1.000187); TTHC 7: Cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên đối với trường hợp bị hỏng hoặc mất (Mã TTHC: 1.000183); TTHC 8: Cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên đối với trường hợp bị thu hồi (Mã TTHC: 1.000180); TTHC 9: Cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên đối với trường hợp bổ sung, sửa đổi nội dung chứng chỉ kiểm định viên (Mã TTHC: 2.000037)
- Bổ sung: Hình thức trực tuyến trong cách thức nộp hồ sơ, nhận kết quả và ký số trên mẫu đơn.
- Sửa đổi: Bỏ một số trường thông tin của người đề nghị cấp lại chứng chỉ kiểm định viên trong mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ kiểm định viên; cho phép người khai được phép ký số khi thực hiện TTHC trực tuyến.
TTHC 10: Khai báo với Sở LĐTBXH địa phương khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (Mã TTHC: 2.000134)
- Bổ sung: Hình thức trực tuyến trong cách thức nộp hồ sơ, nhận kết quả và ký số trên mẫu đơn khi thực hiện TTHC trực tuyến.
2. Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.
- Hiệu lực thực hiện quy định về kết quả kiểm định: ngày 01/8/2024. 
- Bãi bỏ: Quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP [1] kể từ ngày 01/8/2024. 
- Quy định chuyển tiếp: Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công  chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP  đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất  lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức  không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a,  điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. 
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành
+ Về căn cứ pháp lý:
 Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7  khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược  đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 
Khoản 6 Điều 1 bổ sung Điều 39 của Luật Cán bộ, công chức của Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.  
+ Về căn cứ thực tiễn 
Thực tiễn hiện nay, việc tuyển dụng công chức đang thực hiện theo quy  định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, theo đó, các quy định đã khá chặt chẽ và  đầy đủ, tổ chức thi tuyển thành 02 vòng. Các thí sinh qua được vòng 1 – vòng  sàng lọc, lựa chọn (đối với các môn kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học) để tiếp  tục tham dự thi vòng 2. Bên cạnh một số ưu điểm như việc ứng dụng công nghệ  thông tin ở vòng 1 để bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, khách quan, công bằng,  minh bạch; giảm thiểu số lượng thí sinh tham dự vòng 2 nhằm tiết kiệm, thuận lợi  hơn trong việc lựa chọn công chức cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Tuy  nhiên, việc tổ chức thi còn có những bất cập: một số cơ quan, tổ chức còn lúng  túng trong việc ra đề thi, chất lượng đề không đồng đều, nhiều cơ quan tổ chức thi  không chuyên nghiệp. Nội dung câu hỏi khó đánh giá được khả năng hiểu biết xã  hội, năng lực tư duy, mức độ khó, dễ có độ chênh lệch giữa các kỳ thi, vì thế  khó đảm bảo những người trúng tuyển và trở thành công chức có cùng mặt bằng  năng lực và đáp ứng được yêu cầu công việc. Mặt khác, việc tổ chức thi vòng 1  ở tất cả các cơ quan dẫn đến lãng phí thời gian, nhân lực, vật lực; phần mềm sử  dụng thi trên máy tính chưa được xem xét, đánh giá, chưa thành quy định bắt  buộc trong công tác thi tuyển công chức. 
- Mục đích ban hành
+ Đổi mới phương thức, nội dung kiểm định nhằm nâng cao chất lượng  tuyển dụng đầu vào công chức trong toàn quốc; đồng thời tiết kiệm được nguồn  lực, giảm bớt thời gian trong quy trình tuyển dụng, giúp các cơ quan tuyển được  người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm. 
+ Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa  phương, cơ quan, đơn vị không phải thực hiện thi công chức hai vòng như hiện  nay, mà sau khi qua vòng kiểm định chỉ tổ chức thi một vòng nghiệp vụ chuyên  ngành để lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ . 
c) Nội dung chủ yếu:
- Nghị định có 3 chương với 14 điều, cụ thể: 
+ Chương 1: Quy định chung, gồm 2 điều (Điều 1 và Điều 2), quy định  phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc thực hiện kiểm định chất  lượng đầu vào công chức. 
+ Chương 2: Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, gồm 08  điều (từ Điều 3 đến Điều 10), quy định về điều kiện, thẩm quyền, hình thức, nội  dung và trình tự tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
+ Chương 3: Điều khoản thi hành, gồm 04 điều (từ Điều 11 đến Điều 14),  quy định về tổ chức thực hiện, điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực và trách nhiệm  thi hành. 
- Nội dung chính của dự thảo Nghị định: 
+ Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Nghị định này quy định  về nguyên tắc, phương thức, nội dung, hình thức và thẩm quyền thực hiện kiểm  định chất lượng đầu vào đối với người tham gia tuyển dụng vào làm công chức  trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã  hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công  chức theo quy định tại Nghị định này chỉ áp dụng thực hiện đối với người đăng  ký tuyển dụng vào công chức thông qua phương thức thi tuyển 
+ Các nội dung chính và điểm đổi mới:  
Thứ nhất, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là một trong những  nội dung quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm  định. Việc thống nhất kiểm định tập trung trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo đảm  mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm  quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước. Giá trị được sử  dụng trong toàn quốc, sẽ tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi cho các Bộ, ngành, địa  phương, tạo cơ hội cho ứng viên tham gia công khai và thuận lợi trong việc  hướng nghiệp. 
Thứ hai, điểm nổi bật nhất của việc kiểm định là đổi mới về nội dung  kiểm định theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của thí sinh. Các hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về  hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức  về văn hóa, lịch sử, đạo đức. 
Thứ ba, việc tổ chức kiểm định sẽ được thực hiện định kỳ 2 lần/năm và  theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tuyển dụng, bảo đảm quyền lợi của thí sinh và  bảo đảm sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng. 
Thứ tư, là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kiểm định,  theo đó thí sinh có thể lựa chọn đăng ký tham dự kiểm định qua trang thông tin  về kiểm định (nộp phiếu đăng ký kiểm định qua mạng), việc tổ chức kiểm định  trên máy vi tính, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan.  
Thứ năm, công khai kết quả kiểm định trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội  vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Cơ quan có  thẩm quyền tuyển dụng căn cứ vào kết quả này để xác định nhu cầu, đối tượng  tuyển dụng sát với vị trí việc làm. Kết quả kiểm định có giá trị trong 24 tháng.
+ Phụ lục kèm theo: Phiếu đăng ký kiểm định. 
3. Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thay thế Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Cơ sở pháp lý
+ Khoản 1 Điều 28 Luật Thống kê quy định: “Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, được tiến hành định kỳ nhằm thu thập thông tin chủ yếu để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm tên cuộc điều tra, mục đích, đối tượng, đơn vị, loại điều tra, nội dung điều tra, thời kỳ, thời điểm điều tra và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện”.
+ Luật Thống kê sửa đổi đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 12/11/2021, theo Nghị định số 94/2022/NĐ-CP và khoản 5 Điều 17 của Luật Thống kê quy định “Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia là cơ sở phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê quốc gia, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê và chương trình khác có liên quan đến hoạt động thống kê”.
+ Điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Thống kê quy định: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung chương trình điều tra thống kê quốc gia”.
- Cơ sở thực tiễn
Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết gọn là Chương trình điều tra số 43) được xây dựng trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê. Chương trình điều tra số 43 về cơ bản đã đáp ứng thông tin đầu vào quan trọng cho hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và đạt được kết quả cụ thể như sau:
+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chịu trách nhiệm chủ trì 35 cuộc điều tra thống kê trong 50 cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra số 43 (chiếm 70%) và chưa thực hiện: 04 cuộc điều tra (chiếm 11,4%), trong đó 03 cuộc điều tra chưa đến kỳ điều tra là “Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Điều tra người khuyết tật” và 1 cuộc điều tra đến kỳ nhưng chưa thực hiện là “Điều tra thu thập thông tin tính các chỉ tiêu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp và tổ chức vô vị lợi”. Tuy nhiên, trong 31 cuộc điều tra đã thực hiện có 02 cuộc điều tra là “Điều tra giá bất động sản” và “Điều tra giá tiền lương” mới tổ chức tiến hành điều tra thử nghiệm, chưa công bố kết quả điều tra.
+  Bộ, ngành chủ trì thực hiện 15 cuộc điều tra thống kê trong 50 cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra số 43 (chiếm 30%). Trong đó, 06 cuộc điều tra đã thực hiện (chiếm 40%) và 09 cuộc điều tra chưa thực hiện (chiếm 60%).
Kết quả thực hiện các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra số 43 về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin thống kê phân công cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và bộ, ngành thu thập, biên soạn tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình điều tra số 43 cũng còn một số những bất cập, vướng mắc đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê có sự thay đổi (Luật Thống kê sửa đổi, Nghị định số 94/2022/NĐ-CP) và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, Chương trình điều tra số 43 cần phải được thay thế cho phù hợp với thực tiễn.
- Mục đích ban hành
+ Hoàn thiện hành lang pháp lý về xây dựng các hình thức thu thập thông tin thống kê bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật Thống kê sửa đổi.
+ Khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thực hiện Chương trình điều tra số 43.
+ Xây dựng các cuộc điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin phục vụ biên soạn, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được ban hành. Đây là căn cứ pháp lý để các bộ, ngành chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các cuộc điều tra thống kê hằng năm trong chương trình điều tra thống kê quốc gia.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều và 01 Phụ lục Chương trình điều tra thống kê quốc gia kèm theo Quyết định; Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 02 phần: Phần I. Quy định chung gồm 03 điều và Phần II. Danh mục các cuộc điều tra thống kê quốc gia.
- Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 03/2023/QGG-TTg có một số thay đổi so với Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016, cụ thể như sau: Số nhóm cuộc điều tra thống kê giảm 02 nhóm (09 nhóm còn 07 nhóm) và Số cuộc điều tra thống kê giảm 05 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được giữ nguyên 15 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được sửa đổi 22 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được lồng ghép, sắp xếp lại 07 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được loại bỏ 06 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được bổ sung mới 05 cuộc.
- Phạm vi điều chỉnh
Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm danh mục các cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia và các cuộc điều tra thống kê theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Thống kê năm 2015.
- Đối tượng áp dụng
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong việc xây dựng, tiến hành thực hiện các cuộc điều tra thống kê được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
- Nội dung chương trình điều tra thống kê quốc gia
+ Chương trình điều tra thống kê quốc gia bao gồm tên cuộc điều tra, mục đích điều tra, đối tượng, đơn vị điều tra, loại điều tra, nội dung điều tra, thời kỳ, thời điểm điều tra, cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện.
+ Chương trình điều tra thống kê quốc gia đáp ứng nhu cầu thông tin của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Danh mục các cuộc điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, trong đó đó có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra ở các lĩnh vực khác nhau, cụ thể:
+ Nhóm 01. Điều tra dân số, lao động và việc làm, gồm 3 cuộc điều tra: (1) Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ; (2) Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình; (3) Điều tra lao động và việc làm.
+ Nhóm 02. Điều tra đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, gồm 8 cuộc điều tra: (1) Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; (2) Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ; (3) Điều tra diện tích cây nông nghiệp; (4) Điều tra năng suất, sản lượng cây nông nghiệp; (5) Điều tra chăn nuôi; (6) Điều tra lâm nghiệp; (7) Điều tra, kiểm kê rừng; (8) Điều tra thủy sản.
+ Nhóm 03. Điều tra công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và vốn đầu tư, gồm 8 cuộc điều tra: (1) Điều tra ngành công nghiệp; (2) Điều tra năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp; (3) Điều tra hoạt động xây dựng; (4) Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ; (5) Điều tra loại hình hạ tầng thương mại phổ biến; (6) Điều tra thông tin khách du lịch nội địa; (7) Điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam; (8) Điều tra vốn đầu tư thực hiện.
+ Nhóm 04. Điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và tài khoản quốc gia, gồm 5 cuộc điều tra: (1) Điều tra doanh nghiệp; (2) Điều tra cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; (3) Điều tra cơ sở hành chính, sự nghiệp; (4) Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian; (5) Điều tra đơn vị sự nghiệp và tổ chức vô vị lợi.
+ Nhóm 05. Điều tra giá, gồm 9 cuộc điều tra: (1) Điều tra giá tiêu dùng (CPI); (2) Điều tra giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất; (3) Điều tra giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; (4) Điều tra giá sản xuất công nghiệp; (5) Điều tra giá sản xuất dịch vụ; (6) Điều tra giá sản xuất xây dựng; (7) Điều tra giá bất động sản; (8) Điều tra giá tiền lương; (9) Điều tra giá xuất khẩu, nhập khẩu.
+ Nhóm 06. Điều tra khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, gồm 3 cuộc điều tra: (1) Điều tra tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ; (2) Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (3) Điều tra thống kê thương mại điện tử.
+ Nhóm 07. Điều tra y tế, xã hội và môi trường, gồm 6 cuộc điều tra: (1) Điều tra cơ sở và nhân lực y tế ngoài công lập; (2) Điều tra dinh dưỡng; (3) Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam; (4) Khảo sát sức khỏe dân cư và kinh nghiệm cuộc sống; (5) Điều tra người khuyết tật; (6) Điều tra các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2023, Bộ Tư pháp xin thông báo./.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Quốc hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Phiếu báo giảng

Đăng nhập thành viên

Hình ảnh hoạt động

Kỉ niệm 40 năm NNGVN
8 photos | 4334 view

>>Xem tất cả<<

thiet ke biet thu-- thiet ke kien truc

tô tượng


Hỗ trợ trực tuyến

1
Hiệu trưởng
Name: Võ Văn Nhàn
Quản trị Website
Name: Trần Thị Hà